Open API – Sự hợp tác đôi bên cùng có lợi

“Open”, là một từ khóa cũ nhưng lại là khái niệm mới đang xuất hiện với tần suất ngày một lớn trong nền công nghiệp dịch vụ tài chính, đứng đầu trong xu hướng chuyển đổi của ngành dịch vụ Tài chính – Ngân hàng. Các khái niệm Open data (Dữ liệu Mở), Open API (API Mở) và Open Banking (Ngân hàng Mở), dần trở nên quen thuộc. Vậy thực sự Open – Mở là như thế nào?

“Open” – Từ khóa cũ nhưng khái niệm mới

“Open” vốn là từ khóa đề cập đến khả năng của các công ty trong việc phát triển dịch vụ của họ ra bên ngoài, để các đối tác bên ngoài hoặc thậm chí đối thủ cạnh tranh có thể sử dụng các dịch vụ này với mục tiêu cao nhất là mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng. Trao đổi, hợp tác, nâng cao chất lượng dịch vụ là những giá trị do từ khóa “Open” này mang lại. Xu hướng “Open” ngày càng trở nên phổ biến nhờ sự phát triển của các Open API (Giao diện lập trình ứng dụng mở).

Sử dụng rộng rãi Open API, các tổ chức/doanh nghiệp tạo thành một hệ sinh thái API thực sự; cung cấp những trải nghiệm khách hàng tuyệt vời nhất nhờ khả năng kết hợp các dịch vụ số của nhiều nhà cung cấp trong một ứng dụng. 

Open API – Sự hợp tác đôi bên cùng có lợi

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, quá trình phát triển này đã diễn ra nhiều năm (ví dụ: lĩnh vực du lịch, khách hàng có thể đặt phòng trực tuyến từ bất kỳ khách sạn nào thông qua các ứng dụng tích hợp tính năng thanh toán điện tử). Một ví dụ điển hình khác là Uber. Trong những thời kỳ phát triển bùng nổ, Uber đã có giá trị vốn hóa thị trường vượt qua cả BMW. Kết quả này chủ yếu phụ thuộc vào lợi ích từ kết nối đa dạng dịch vụ API giữa Uber và các bên thứ 3:

  • Định vị (positioning) người dùng thông qua hệ điều hành (iOS, Android)
  • Tính toán tuyến đường và bản đồ (được cung cấp bởi MapKit và Google Maps)
  • Gửi tin nhắn văn bản xác thực thông tin chuyến đi/thanh toán… theo thời gian thực cho khách hàng (Twilio)
  • Thanh toán trực tuyến/ví điện tử do (Braintree)
  • Biên lai thanh toán dịch vụ (Mandrill)
  • Các dịch vụ được lưu trữ đám mây trên Amazon Web Services (AWS)
SAVIS Open API - Sự hợp tác đôi bên cùng có lợi
People with smartphones using mobile banking app. Man and woman with digital devices making online payment. Vector illustration for money, fintech, transaction concept

Việc kết hợp các dịch vụ API hàng đầu này cho phép các công ty khởi nghiệp như Uber mang đến trải nghiệm người dùng tuyệt vời và sáng tạo chỉ sau một khoảng thời gian rất ngắn, là minh chứng rõ ràng cho những lợi ích từ kết nối cộng đồng mở, tạo hệ sinh thái  mở với Open API, thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới và sáng tạo không ngừng.

Giai đoạn sau đó, các công ty khởi nghiệp này thường sẽ tự phát triển và cung cấp API của riêng họ và cho phép tích hợp dễ dàng với các dịch vụ của các công ty khác. Ví dụ: API của Uber cũng được tích hợp trong ứng dụng của hãng hàng không Mỹ – United Airlines.

Những ví dụ trên cho thấy lợi ích chung của một hệ sinh thái Open API. Khi đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tiếp với khách hàng sẽ bổ sung những tiện ích theo nhu cầu của người dùng, trong khi các bên thứ ba có thể thu được lợi nhuận khi các API của mình được sử dụng nhiều hơn. Với hoạt động hợp tác đôi bên cùng có lợi này, người hưởng lợi nhiều nhất chính là khách hàng.

Ví dụ về Uber chắc chắn không phải là một trường hợp duy nhất cho thấy tiềm năng của Open API. Đơn cử một ví dụ khác: UPS đã thành công trong việc tăng thị phần bằng cách tích hợp API của mình vào các trang web trực tuyến hoặc eBay đã tạo ra 60% doanh thu thông qua các API của mình.

Open Banking – Phá bỏ sự bảo thủ và độc quyền thị trường của ngân hàng

Lĩnh vực Ngân hàng, với sự bảo thủ trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới, sự tự tin vào tính độc quyền thị trường, đang là lĩnh vực cần phải đổi mới trước tiên để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ khách hàng. “Ngân hàng Mở” – Open Banking sử dụng các Open API đang trở thành một xu hướng mới, được thúc đẩy bởi sự thay đổi chóng mặt và gia tăng nhu cầu từ khách hàng. Cạnh tranh khốc liệt với các công ty Fintech và các quy định pháp luật mới như Chỉ thị sửa đổi về dịch vụ thanh toán PSD2 là những yếu tố thúc đẩy ngân hàng thực hiện “Mở” dữ liệu và kiến trúc của họ đồng thời vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định  bảo vệ thông tin khách hàng (như GDPR – Quy định về bảo mật thông tin của EU).

Trong Báo cáo Ngân hàng số (Digital Banking Report) năm 2017, Open Banking – Ngân hàng Mở được các lãnh đạo ngân hàng hàng đầu thế giới xếp hàng 4 trong những xu hướng quan trọng nhất năm 2017, dù cách đó 1 năm còn không xuất hiện trong TOP 10. Open Banking hiện vẫn đang tiếp tục khẳng định xu thế đứng đầu làn sóng chuyển đổi số ngành Tài chính – Ngân hàng khi các tổ chức Tài chính – Ngân hàng, dịch vụ thanh toán trực tuyến tại các quốc gia tiếp nhận, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ.

Những thay đổi trong lĩnh vực ngân hàng đã thúc đẩy tốc độ ứng dụng Ngân hàng Mở bao gồm:

Open API - Sự hợp tác đôi bên cùng có lợi
  • Nhu cầu của khách hàng ngày càng gia tăng và thay đổi: khách hàng Tài chính – ngân hàng đang yêu cầu trải nghiệm sử dụng dịch vụ đa kênh, liên kênh, đi kèm thời gian thực và luôn sẵn sàng 24/7. Hơn nữa, trải nghiệm dịch vụ nên thay đổi theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm, thay vì cách tiếp cận theo định hướng sản phẩm mà hầu hết các ngân hàng hiện đang cung cấp.

Ví dụ: Khách hàng đang yêu cầu các ngân hàng cung cấp các dịch vụ như quản lý tài chính cá nhân toàn diện 360 ° (bao gồm các thông tin về tài sản và nợ của một cá nhân tại nhiều tổ chức tài chính khác nhau). Chế độ quản lý 360 ° này không chỉ giúp khách hàng có thể quản lý tổng thể tài chính của mình mà còn có thể gợi ý, thúc đẩy các quyết định tài chính đúng đắn thông qua phân tích số liệu, như đề xuất khách hàng đầu tư tiền gửi tiết kiệm vào chứng khoán, hay chuyển đổi các đơn vị cung cấp dịch vụ khi so sánh giá giữa các dịch vụ tương tự từ các nhà cung cấp khác nhau… 

  • Áp lực pháp lý: Các cơ quan quản lý (đặc biệt là ở Châu Âu) đang thúc đẩy các ngân hàng ngày càng “mở” kiến ​​trúc của mình, với Chỉ thị sửa đổi về dịch vụ thanh toán PSD2 và Sáng kiến ​​Ngân hàng Mở của CMA (Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường –  Anh).

Cả hai quy định trên đều nhằm mục đích tăng cường cạnh tranh trong ngành dịch vụ tài chính bằng cách bắt buộc các ngân hàng phải cho phép bên thứ ba truy xuất trực tiếp thông tin tài khoản và thông tin khác từ ngân hàng. Ví dụ: chương trình Open Banking – ​​Ngân hàng Mở yêu cầu các ngân hàng chia sẻ thông tin sản phẩm, dịch vụ (giá, chi phí, điều khoản và điều kiện sử dụng dịch vụ) và thông tin khách hàng (thông tin tài khoản, khả năng thực hiện thanh toán trực tiếp) khi được sự cho phép của khách hàng

  • Cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ tài chính: Các ngân hàng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng nhiều từ các công ty công nghệ tài chính (robot tư vấn, vay mượn P2P, crowdfunding…). Với khả năng công nghệ của mình, Fintech đã và đang cung cấp các dịch vụ khách hàng sáng tạo hơn, nhanh hơn, rẻ hơn và phục vụ đang dạng nhu cầu khách hàng hơn. Việc cạnh tranh trực diện với các công ty Fintech đang không cho thấy những tín hiệu tích cực. Thay vì đối đầu, các ngân hàng nên lựa chọn hướng đi khác, hợp tác với một số Fintech uy tín, để cung cấp các dịch vụ hấp dẫn cho khách hàng của chính ngân hàng họ. Cách tiếp cận này buộc các ngân hàng phải thiết lập một kiến ​​trúc API mở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp nhanh chóng (plug-and-play) các dịch vụ của ngân hàng và Fintech, cuối cùng là tạo ra các cửa hàng ứng dụng ngân hàng.
  • Công nghệ mới: Sự phát triển công nghệ nhanh chóng trong lĩnh vực ngân hàng ( như: IoT, phân tích Big data, phân tích khách hàng theo thời gian thực, AI, blockchain …) khiến ngân hàng gần như không thể đầu tư (và đứng đầu) trong bất kỳ công nghệ mới nào. Do đó, việc hợp tác với các công ty Fintech hay các ngân hàng khác là điều cần thiết để ngân hàng đón đầu được những công nghệ đó. Mối quan hệ đối tác này sẽ được tạo dựng chủ yếu thông qua Open API.
  • Các nguyên tắc thiết kế kiến ​​trúc mới: Về mặt lịch sử, kiến ​​trúc ứng dụng trong ngân hàng bao gồm một hệ thống kế thừa nguyên khối lớn, rất khép kín. Kiến trúc truyền thống này đang đạt đến giới hạn của nó trong kỷ nguyên giao dịch số hiện nay. Do đó, tất yếu, các ngân hàng phải thực hiện những bước chuyển đổi sang kiến ​​trúc dựa trên microservices. Vì các microservices giao tiếp với nhau thông qua các API, nên kiến ​​trúc mở này có thể tương tác với môi trường bên ngoài với chi phí rẻ hơn và tốc độ nhanh hơn nhiều so với kiến ​​trúc truyền thống.

Những yếu tố này đã đặt các tổ chức Tài chính – Ngân hàng phải chuyển mình để thay đổi, cạnh tranh với các Fintech nhằm chiếm lấy ưu thế dẫn đầu và tăng doanh thu từ những mô hình dịch vụ tài chính mới, thu hút nhiều khách hàng mới nhờ sự thân thiện, tiện ích mà những công nghệ mới mang lại. 


Tham khảo những dịch vụ về Ngân hàng số và Ngân hàng mở của SAVIS tại đây!